Trật khớp vai và cách điều trị
Tổn thương trật khớp vai.
Trật khớp vai là bệnh hay gặp nhất ở người trẻ, khỏe từ 20 – 40 tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 60% tổng số ca trật khớp.

Nguyên nhân gây trật khớp vai
Có thể do: ngã chống tay, chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đánh nhau. Bệnh nhân bị trật khớp vai sẽ thấy đau không cử động được khớp vai; dấu hiệu vai vuông hay “nhát rìu” làm vai biến dạng nhìn khác bên vai lành, cánh tay dạng khoảng 30 – 40 độ xoay ra ngoài; sờ thấy hõm khớp vai rỗng, nếu ép cánh tay vào thân, bệnh nhân bị đau, thả tay ra, cánh tay bệnh nhân trở về vị trí cũ (gọi là dấu hiệu lò so); biên độ vận động khớp vai giảm hoặc mất hoàn toàn…
Nhiều trường hợp trật khớp vai có kèm theo gãy xương bả vai, cổ xương cánh tay… liệt thần kinh cảm giác và vận động cánh tay… Điều trị trật khớp vai có thể dùng phương pháp kéo nắn rồi băng bất động khoảng 2 – 4 tuần đối với trật khớp vai mới và dùng phẫu thuật điều trị đối với trật khớp vai cũ hay trật khớp vai tái diễn nhiều lần.
Điều trị trật khớp vai
Bạn nên đi khám và điều trị tại khoa chấn thương chỉnh hình.
– Chườm lạnh lên vùng khớp bị thương để tránh và giảm sưng phù. Có thể dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên da hoặc cho đá vào miếng vải để chườm. Không nên chườm nóng, đắp muối, bóp thuốc rượu hay các loại tương tự vì có thể làm tình trạng xấu đi.
– Nhanh chóng, nhẹ nhàng vận chuyển người bị trật khớp đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị.